
Lễ nạp tài là gì? Chuẩn bị sính lễ như thế nào?
Lễ nạp tài là gì? Chuẩn bị sính lễ như thế nào?
Dù không tổ chức rình rang, linh đình như trước thì lễ nạp tài vẫn là một trong những nghi lễ quan trọng trong đám cưới. Vậy lễ nạp tài là gì? Chuẩn bị gì cho lễ nạp tài? Hãy cùng VHunter tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau nhé!
Lễ nạp tài là gì?
Khi nghe đến “lễ nạp tài”, người ta thường liên tưởng đến lễ khai trương cửa hàng, ngày thần tài. Tuy nhiên, đây lại là nghi lễ quan trọng trong đám cưới.
Lễ nạp tài có tên phổ biến hơn là lễ đen hoặc lễ nát tùy từng vùng miền. Trong dịp lễ này, nhà trai sẽ trao nhà gái một khoản tiền nhỏ cùng sính lễ như thể hiện lòng thành muốn trở thành thông gia và xin dâu. Lễ này thường được diễn ra trong ngày đám hỏi hoặc trong ngày rước dâu. Nhà trai mang khoản sính lễ đến nhà gái để bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà gái vì công sinh thành, dưỡng dục cô dâu.
Ý nghĩa của lễ nạp tài?
Trước kia, nhà gái sẽ thách nhà trai sính lễ cưới bao gồm trầu cau, hoa quả, bánh trái, thịt heo,… và tiền vàng. Để được rước dâu về, nhà trai phải chuẩn bị sính lễ đúng như bên nhà gái yêu cầu và mang đến nhà gái. Ngày nay, việc thách cưới không còn nặng nề, rườm rà như ngày trước.
Sau khi nhận được sính lễ, nhà gái phát biểu, cảm ơn và dành tặng lại cho hai vợ chồng. Hai vợ chồng nhận tiền sính lễ, vàng bạc, trang sức được tặng để giữ làm vốn liếng ban đầu, xây dựng tổ ấm. Vì vậy, cuộc sống hai vợ chồng trẻ sẽ bớt đi áp lực kinh tế, cùng nhau xây dựng tương lai hạnh phúc. Ngoài ra, lễ nạp tài cũng là khoản tiền mà nhà trai đóng góp cho nhà gái để lo mọi chi phí cưới hỏi cho đôi vợ chồng.
Lễ nạp tài các miền khác nhau như thế nào?
Trong lễ nạp tài, số tiền sính lễ khoảng tầm 2-10 triệu đồng. Theo quan niệm miền Bắc thì số tiền phải là số lẻ, mang lại nhiều may mắn, phúc lộc. Nhà trai phải chia thành nhiều phong bì khác nhau, số lượng phong bì sẽ phụ thuộc vào số bát nhang trên bàn thờ tổ tiên.
Trong khi đó, người miền Nam và người miền Trung thích các số chẵn hơn. Họ thường gộp vào một phong bì chung thay vì chia thành từng phong bì nhỏ. Đối với gia đình điều kiện thì số tiền nạp tài có thể lên đến 99 triệu 9 trăm 99 ngàn đồng hoặc 9 lượng vàng 9999. Những con số đẹp này như lời chúc phúc may mắn cho cô dâu và chú rể.
Lễ nạp tài gộp vào lễ ăn hỏi hay đám cưới?
Do lễ nạp tài cũng có ý nghĩa quan trọng nên các cụ thường tổ chức riêng thành một ngày khác. Tuy nhiên, điều này lại khiến khách mời phải đến tham dự nhiều lần, không thuận tiện. Vì vậy, hầu hết các gia đình đều gộp chung cùng với lễ ăn hỏi để nhà gái có thể chuẩn bị tốt hơn.
Một số gia đình gộp lễ cưới và lễ ăn hỏi vào thành một để thuận tiện thời gian. Do đó, người ta cũng thực hiện trao tiền lễ nạp tài trong lễ cưới.
Cần chuẩn bị sính lễ cho lễ nạp tài như thế nào?
Tuy rằng được tổ chức chung với lễ đính hôn hoặc lễ cưới nhưng lễ nạp tài cũng cần đảm bảo đầy đủ nghi thức cần thiết. Bên cạnh tiền, nhà trai cũng cần chuẩn bị thêm những sính lễ sau:
Trầu cau
Các cụ có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Như vậy, trầu cau có ý nghĩa quan trọng trong đời sống người Việt, đại diện cho tình cảm phu thê gắn kết, lâu bền. Người ta thường dán thêm chữ Song Hỷ trên mỗi quả cau như lời chúc cho đôi phu thê luôn hạnh phúc.
Heo quay, xôi gà
Bên cạnh trầu cau thì sính lễ không thể thiếu heo quay hay xôi gà để làm lễ vật. Heo quay thường là heo sữa nguyên con, chưa chặt đặt trên mâm. Heo được quấn giấy đỏ quanh thân và trang trí hoa lá trên phần đầu và đuôi.
Rượu trà
Rượu và trà được đóng gói và đặt trên cùng một mâm sính lễ, tặng theo cặp. Hộp trà đóng gói giấy đỏ, trang trí nơ nhỏ gọn. Còn rượu thường là rượu tây, rượu vang để sang trọng, cũng thể hiện thành ý của nhà trai.
Bánh trà
Khi chuẩn bị sính lễ, nhà trai thường đặt bánh gato, bánh phu thê (hay còn gọi là bánh xu nê) và có thể là bánh cốm. Những loại bánh này đều là lễ vật quen thuộc trong đám hỏi. Sau khi nhận bánh, nhà gái sẽ nói lời cảm ơn và mời bánh, trà, rượu cho khách mời để cùng chung vui, thưởng thức với gia đình.
Sính lễ còn cần có mâm trái cây đầy đủ, màu sắc. Người ta thường sử dụng nhiều loại trái cây khác nhau, kết thành mâm ngũ quà dán chữ Hỷ lên trên. Các loại hoa quả dùng cho mâm ngũ quả là táo, nho, xoài, đu đủ, thanh long, mãng cầu,… trang trí thêm hoa để đẹp hơn.
Trang sức cưới
Trang sức cưới có thể là vòng kiềng cho cô dâu và nhẫn cưới cho hai vợ chồng. Ngoài ra còn có lắc tay, dây chuyền, khuyên tai,… Trong đám cưới, cô dâu sẽ đeo trang sức để lộng lẫy hơn. Nhà trai có thể tặng nhiều kiềng vàng, thể hiện khả năng tài chính của gia đình.